Tản văn: CÁC ANH NẰM XUỐNG CHO TỔ QUỐC HỒI SINH

cac anh.jpg (111 KB)

 Ảnh: Tượng đài ở Nghĩa trang liệt sỹ đường 9, Quảng Trị.

 

 

Lịch sử chống ngoại xâm anh dũng của dân tộc Việt Nam trong đó có ý chí quyết chiến, quyết thắng với lòng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh thân mình, bảo vệ Tổ quốc của các Anh hùng liệt sỹ, không chỉ là niềm tự hào của dân tộc mà còn là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, học tập, noi theo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

Kỷ niệm 72 năm ngày thương binh liệt sỹ (27- 7- 1946 – 27- 7- 2019), với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đoàn chúng tôi là những CCB đến thăm Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang đường 9…đó là những nơi có hàng ngàn, hàng vạn anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc, giành lại cuộc sống tự do độc lập, thống nhất đất nước cho dân tộc hôm nay. Thế hệ chúng tôi là thế hệ sinh ra trong chiến tranh được sống trong một thời “Hoa lửa”, tận mắt chứng kiến những đồng đội của mình ngã xuống, vì sự tồn vong của dân tộc. Đó là sự mất mát lớn lao của cả dân tộc Việt Nam thời chống Mỹ cứu nước. Cái thời mà “Những người con gáicon trai. Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép. Xa nhau không hề rơi nước mắt....”. Khi đoàn cúng tôi đến thành cổ Quảng Trị, nhìn dòng sông Thạch Hãn vẫn lững lờ trôi như ngày nào trong lòng những người CCB chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Vậy mà đã hơn 40 năm, đất nước sạch bóng quân xâm lược nhưng máu xương của hàng vạn chiến sỹ, họ là những người con ư tú, là những đồng đội của chúng tôi đã nằm lại nơi này. Trong số họ, phần lớn là những thanh niên rất trẻ, rời giảng đường đại học vào Thành Cổ Quảng Trị, họ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh, máu thịt của họ hòa vào mỗi tấc đất, cành cây, ngọn cỏ nơi thành cổ Quảng Trị và giữa lòng sông Thạch Hãn. Cựu chiến binh Lê Bá Dương khi về thăm lại chiến trường xưa đứng lặng mình bên dòng sông Thạch Hãn, thấy những con đò xuôi ngược trên sông anh đã thầm gọi với theo: “Đò xuôi Thạch Hãn... ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...”. Anh Nguyễn Anh Trí, khi trở lại thành cổ Quảng Trị đã bùi ngùi xúc động: “Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ/ Xin chớ vô tình với người hi sinh”…Thật cảm kích và tự hào vô cùng, khi nghĩ về một thế hệ “Quyết tử để, Tổ quốc quyết sinh”. Rời thành cổ Quảng Trị chúng tôi đến Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, khi vừa đặt chân đến nơi đây thì mọi cám dỗ về vật chất, sự ích kỷ, nhỏ nhen, bon chen, danh lợi… trong cuộc sống đời thường trong tôi bỗng vụt tan biến trước những sự mất mát, hi sinh vô cùng lớn lao của các anh hùng liệt sỹ ở nơi này. Muốn lắm, tôi muốn  chính tay tôi được thắp nhang hết cho tất cả những đồng đội ở đây để tưởng nhớ hương hồn các anh, các chị đã ngã xuống vì độc lập, tự do, vì thống nhất Tổ quốc, vì cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc của dân tộc. Trong hàng triệu anh hùng liệt sĩ đã hy sinh có những ngôi mộ có tên tuổi, quê quán, được, người thân thường xuyên chăm nom thăm viếng, khói hương… Bên cạnh đó còn có hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ vô danh, không họ tên, quê quán, đang nằm ở nghĩa trang liệt sĩ này hoặc còn nằm giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ hay giữa đại dương bao la. Tất cả họ cũng đều là những liệt sĩ vô danh chưa rõ tên tuổi, quê hương đã gợi lên trong lòng tôi niềm đau xót, tiếc thương vô hạn. Song tên tuổi và chiến công của các anh, các chị đã gắn liền với tên tuổi và chiến công oanh liệt, hào hùng của dân tộc Việt Nam. Nhưng làm sao mà tôi có thể đi thắp nhanh cho các anh, các chị hết được? Bởi “Doanh trại đóng quân” của các anh, các chị rộng lớn quá, bao la quá, mà thời gian thì không cho phép. Thôi thì, tôi xin được thắp nén tâm nhang để gửi đến tất cả các anh, các chị những đồng đội của tôi, mong các anh, các chị yên nghỉ và linh hồn được siêu thoát. Sự hi sinh cao quý đó của các anh, các chị sẽ được cả dân tộc Việt Nam đời đời ghi nhớ. Lòng yêu nước thiết tha, tinh thần chiến đấu dũng cảm và đức hi sinh cao cả của các anh, các chị là bài học về lý tưởng cách mạng vô cùng quý báu cho các thế hệ trẻ nối tiếp làm gương và học tập.

Đến với thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và đường 9 đứng trước bạt ngàn mộ liệt sĩ có danh và vô danh xếp thành hàng, thành lối, trùng trùng điệp điệp, trong lòng những người CCB chúng tôi trào lên một cảm xúc thiêng liêng. Tôi thấy tâm hồn mình được thanh lọc hết những toan tính ích kỉ về vật chất, danh vọng, tiền bạc, rũ sạch nhưng vướng bận bụi đời để hướng tới những điều cao quý nhất trong cuộc sống đó là “Chân, Thiện, Mỹ”. Tôi xin mượn câu nói của nhà văn Nga N.OSTROVSKI để làm phần kết cho bài viết: "Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người...".

Võ Hoàng Nam.