NỮ CỰU CHIẾN BINH NHIỀU TUỔI VẪN TÂM HUYẾT VỚI CÔNG TÁC XÃ HỘI

Tuổi cao, sức yếu do thương tật 2/4, nhưng nữ Cựu chiến binh (CCB) Phạm Thị Ngọc Lan, 71 tuổi, trú tổ dân phố Lợi Hòa, phường Cam Lợi, thành phố Cam Ranh chưa ngơi nghỉ, vẫn còn tâm huyết với công tác xã hội.

Từ ảnh hưởng của gia đình có truyền thống cách mạng, bản thân bà Lan lúc nhỏ cũng chưa thể phân tích đủ nghĩa câu “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, vậy mà nữ thiếu niên Phạm Thị Ngọc Lan, ở xã Phổ An, Đức Phổ, Quảng Ngãi đã sớm đi làm cách mạng lúc 11 tuổi đời; dù gia đình rất ưu tư, lo lắng nhưng không tiện cấm cản được, vì lúc ấy bà còn quá trẻ. Được tổ chức giao làm công tác liên lạc cho cơ sở cách mạng tại địa phương thuộc vùng “tranh tối - tranh sáng”, nhưng với tinh thần yêu quê hương đất nước, cộng với bản năng dũng cảm, linh hoạt, mưu trí bà Lan đã bao lần đi, về an toàn trong việc chuyển mệnh lệnh, công văn, thư tín... từ cấp này sang cấp khác.

Đến giờ, bà vẫn không hề quên cách thường áp dụng để giấu tài liệu, là cuộn tròn đưa vào lai áo hoặc lai quần; đồng thời thể hiện hành động như một đứa trẻ dạo chơi tung tăng đây đó nhằm qua mắt kẻ thù. Khi nhận, giao tài liệu bà tự hiểu mình không được phép hỏi họ tên người đối diện, làm chức danh gì, ở đâu; cũng chẳng tò mò trong tài liệu có nội dung gì; chỉ thầm nghĩ rằng nếu để bị bại lộ thông tin, thì tính mạng của bà sẽ không an toàn, thậm chí đánh đổi bằng cái chết, còn hơn nữa sẽ làm liên lụy đến bao nhiêu con người và các cơ sở bí mật khác.

Năm 1969, trong một lần cùng bộ đội Tiểu đoàn 83, Tỉnh đội Quảng Ngãi chiến đấu với đối phương, bà bị thương nên phải rời quân ngũ. Mặc dù được tổ chức đề nghị đưa bà vào danh sách đối tượng đi chữa trị vết thương và an dưỡng tại miền Bắc nhưng bà Lan xin ở lại, bởi bố đã đi tập kết ở Bắc, người mẹ thì đang làm Hội trưởng Phụ nữ xã;...

Chia sẻ suy nghĩ của bản thân về công việc đang làm, bà Phạm Thị Ngọc Lan, 71 tuổi, trú tổ dân phố Lợi Hòa, phường Cam Lợi, thành phố Cam Ranh nói: “Tôi là một người trong Hội CCB phường Cam Lợi, mặc dù bản thân là thương binh của quân đội, lớn tuổi, sẽ được nghỉ ngơi. Là bản chất người lính, tôi còn tiếp tục tham gia với lý do, gia đình tôi là gia đình cơ sở cách mạng, sống trong vùng rất là ác liệt, ba mẹ tôi đều là Đảng viên. Từ truyền thống của gia đình, trách nhiệm của một Đảng viên, tôi thấy sức khỏe của tôi và công việc mà tôi được làm hiện nay, còn cố gắng được. Cho nên từ những động lực đó, tôi tiếp tục tham gia cùng với tổ chức Hội CCB. Dù có khó khăn về gia đình, về sức khỏe, về tuổi tác, tôi vẫn cố gắng góp phần mang tinh thần của đoàn thể, tổ chức về truyền đạt lại cho anh em, để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ của người lính thời bình”.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”; sau khi sức khỏe tạm ổn định, năm 1971 bà xin theo học khóa sơ cấp y tế, rồi trung cấp y tế vào năm 1973; và từ năm 1971 đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), bà Phạm Thị Ngọc Lan cùng lúc làm Trưởng Công an và cán bộ y tế xã Phổ An, huyện Đức Phổ. Bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1972, khi vừa tròn 20 tuổi.

Sau ngày đất nước thống nhất, bà chuyển về sinh sống tại Cam Ranh và công tác tại công ty thương nghiệp huyện (nay là thành phố), cho đến ngày công ty giải thể theo chủ trương chung. Dù trong lúc đương nhiệm hay khi tạm nghỉ việc về làm kinh tế gia đình, bà Phạm Thị Ngọc Lan vẫn phát huy bản chất người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, hàng năm luôn phấn đấu hoàn thành tư cách của người Đảng viên.

Nhận xét về bà, ông Đinh Thanh Phong - Chủ tịch Hội CCB phường Cam Lợi, thành phố Cam Ranh nói:

“Đồng chí Phạm Thị Ngọc Lan hiện nay là Ủy viên Ban Thường vụ Hội CCB phường Cam Lợi, và là Chi hội trưởng CCB tổ dân phố Lợi Hòa. Đồng chí lớn tuổi, gặp khó khăn trong việc đi lại, nhưng rất có tinh thần, nhiệt huyết và trách nhiệm trong công tác Hội; luôn xung phong đi đầu trong mọi hoạt động công việc. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ giao cho chi hội hàng năm, đồng chí Lan lãnh đạo chi hội luôn hoàn thành tốt. Bản thân tôi và thế hệ trẻ rất biết ơn những người như đồng chí Lan đã cống hiến vì hòa bình, độc lập cho Tổ quốc ngày hôm nay. Rất mong đồng chí Lan tiếp tục công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức phân công và chỉ bảo cho lớp trẻ sau này”.

lan ccb.jpg (301 KB)
Cựu chiến binh Phạm Thị Ngọc Lan nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng do Thành ủy Cam Ranh tổ chức.

Còn ông Đặng Ngọc Hương - Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố Cam Ranh thì trao đổi:

“Đồng chí Phạm Thị Ngọc Lan tham gia công tác Hội CCB cơ sở đến nay đã trên 20 năm. Ngoài ra, đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố Cam Ranh và là Chi hội trưởng Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin phường Cam Lợi. Với lứa tuổi của mình, đáng lẽ đồng chí đã nghỉ ngơi; nhưng thương binh Phạm Thị Ngọc Lan vẫn luôn nhiệt tình, hăng say với công tác Hội. Trong công việc đồng chí luôn chuẩn mực; nhưng trong giao tiếp lại rất giản dị, gần gũi, chan hòa; luôn động viên anh chị em hoàn thành nhiệm vụ và sống có ích. Gương chiến đấu, công tác, học tập của đồng chí Phạm Thị Ngọc Lan - Chi hội trưởng CCB Lợi Hòa, phường Cam Lợi thật xứng đáng là “CCB gương mẫu”; không chỉ riêng các thế hệ CCB trên địa bàn thành phố Cam Ranh làm theo”.

Quá trình công tác, bà Phạm Thị Ngọc Lan được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Ba; Trung ương Hội CCB tặng Kỷ niệm chương CCB Việt Nam; cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp. Gần đây nhất, bà vinh dự được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng đợt 02/9/2022.

Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” và tinh thần “Tuổi cao - gương sáng”, hy vọng rằng nữ CCB Phạm Thị Ngọc Lan sẽ còn tâm huyết với công tác xã hội tại địa phương trong thời gian tới.

 

HỒNG DƯƠNG