HỘI CỰU CHIẾN BINH PHƯỜNG VĨNH HÒA PHỐI HỢP TUYÊN TRUYỀN GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG CHO THẾ HỆ TRẺ

Thực hiện Kế hoạch phối hợp tuyên truyền nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Bác Hồ đến Vịnh Cam Ranh (18/10/1946 – 18/10/2022) và 77 năm Ngày Nha Trang, Khánh Hòa kháng chiến (23/10/1945 – 23/10/2022) của Hội Cựu chiến binh (CCB) phường Vĩnh Hòa, sáng ngày 22/10/2022, Hội CCB phường Vĩnh Hòa phối hợp với Ban Giám hiệu Trường trung học cơ sở (THCS) Lý Thái Tổ, tổ chức buổi tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, giáo viên, học sinh về sự kiện Ngày Bác Hồ đến Vịnh Cam Ranh (18/10/1946) và Ngày Nha Trang, Khánh Hòa kháng chiến (23/10/1945).

BAC HO DEN VINH CAM RANH.jpg (172 KB)
Tượng đài Bác Hồ, tại công viên 18/10 - thành phố Cam Ranh (Ảnh Tư liệu của Hội CCB tỉnh Khánh Hòa).

Đến dự buổi tuyên truyền, có đồng chí (Đ/c) Đại tá Phạm Văn Tiền - Chủ tịch  Hội CCB phường Vĩnh Hòa;  Đ/c Nguyễn Văn Tài - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường; Đ/c Đại tá Nguyễn Công Nguyên - Phó Chủ tịch, báo cáo viên Hội CCB phường; Đ/c Thiếu tá Vũ Khắc Đài - báo cáo viên; cô giáo Bùi Thị Kim Phương - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường THCS Lý Thái Tổ; thầy Lê Viết Hùng, thầy Lê Ngọc Huynh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng toàn thể cán bộ, giáo viên và các em học sinh trong toàn trường.

vhthang101.bmp (1.22 MB)

Cán bộ, báo cáo viên Hội CCB phường Vĩnh Hòa và các thầy, cô giáo cùng học sinh nhà trường THCS Lý Thái Tổ tại buổi tuyên truyền.

vh103.jpg (214 KB)
Các em học sinh khối lớp 6.

Giới thiệu về sự kiện Bác Hồ đến Vịnh Cam Ranh, báo cáo viên của Hội CCB phường Vĩnh Hòa, nhấn mạnh: “Cách đây 76 năm, ngày 18/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp Đô đốc D’argenlieu trên tuần dương hạm Suffer đậu ngoài khơi Vịnh Cam Ranh để trao đổi về việc thực hiện Tạm ước 14/9”.

Đây là vinh dự lớn đối với Khánh Hòa, địa phương đầu tiên của miền Nam được Người trở lại sau 35 năm xa cách, kể từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước từ Bến cảng Nhà Rồng…

Bối cảnh của cuộc gặp lịch sử: Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tuyên bố trước Nhân dân Việt Nam và nhân dân toàn thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng vào thời điểm đó, trên hai miền Nam, Bắc đất nước ta, quân đồng minh, quân Nhật, thực dân Pháp cùng các thế lực phản động khác đang liên kết với nhau hòng bao vây, chống phá chính quyền cách mạng Việt Nam còn non trẻ. Trước tình hình đó, ngày 25/11/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”.

Đối với quân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đàm phán và ký kết Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 với chủ trương hòa hoãn với Pháp để đẩy quân Tưởng về nước, tránh tình thế bất lợi cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù. Ta bảo toàn được lực lượng, tranh thủ thời gian hòa hoãn và củng cố phát triển lực lượng cách mạng.

Ngày 15/9/1946, Cao ủy Pháp ở Việt Nam là D’argenlieu nhận được thông báo về bản “Tạm ước 14/9” đã lập tức gửi điện mời gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường Người từ Pháp trở về tại Vịnh Cam Ranh để bàn việc thi hành Tạm ước. D’argenlieu buộc phải chấp hành mệnh lệnh từ Paris, song ý đồ mời gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhằm thị uy lực lượng và tiếp tục thực hiện mưu toan của Pháp ở Đông Dương. Đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Vịnh Cam Ranh.

Lịch trình trên cho thấy đây là một sự kiện liên tục của quá trình đấu tranh ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với phía Pháp vào năm 1946. Thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa rất tự hào là nơi được đón Bác trong sự kiện lịch sử “Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh” ngày 18-10-1946.

vht105.jpg (159 KB)
Đồng chí Thiếu tá Vũ Khắc Đài - báo cáo viên.

Tuyên truyền 77 năm Ngày Nha Trang, Khánh Hòa kháng chiến (23/10/1945 – 23/10/2022) do Đại tá Nguyễn Công Nguyên – Phó Chủ tịch Hội CCB phường Vĩnh Hòa trình bày đã nêu bật bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhưng không lâu, ngày tuyên bố độc lập ấy, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945, được quân Anh và Nhật yểm trợ, thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn - Chợ Lớn, sau đó đánh ra các tỉnh Nam bộ, Nam Trung bộ. Đầu tháng 10/1945, quân Pháp điều chiến hạm Risơliơ túc trực trên vùng biển Nha Trang. Trong hai ngày 06/10 và 12/10, chúng đổ bộ gần 1.000 quân lên bãi biển trước Hotel Beau Rivage (nay là số 40, đường Trần Phú).

Mục đích thực dân Pháp đánh chiếm sớm Nha Trang - Khánh Hòa nhằm làm bàn đạp, mở rộng tiến công ra các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên; đồng thời, uy hiếp trực tiếp con đường chi viện của các lực lượng miền Bắc, miền Trung vào Nam bộ.

Nhưng với tinh thần “Quyết đem cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”, quân và dân Khánh Hòa bước vào cuộc chiến đấu mới đầy cảm go, thử thách nhưng rất đỗi hào hùng.

Với lòng yêu nước nồng nàn, khát khao độc lập, tự do của các tầng lớp nhân dân Khánh Hòa. Cuộc chiến đấu hào hùng trong 101 ngày đêm này là sự phát triển thế tiến công của cuộc khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám. Chiến lũy Nha Trang không chỉ là điểm mở đầu của cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp ở Nam Trung bộ, mà còn là điểm nóng có tầm chiến lược của cả nước. Cuộc chiến đấu bao vây quân xâm lược Pháp tại mặt trận Nha Trang là chiến công hào hùng, biểu hiện sinh động tư tưởng tiến công cách mạng, đường lối chiến tranh Nhân dân, tinh thần đoàn kết, hợp đồng chiến đấu giữa các đơn vị Trung ương chi viện với các lực lượng địa phương, giữa quân và dân ta. Thắng lợi của 101 ngày đêm chiến đấu của quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa đã đi vào lịch sử và truyền thống chiến đấu của tỉnh nhà như một nét son chói lọi, một bản anh hùng ca bất diệt.

vh104.jpg (165 KB)
Đại tá Nguyễn Công Nguyên – báo cáo viên.

 vh103.jpg (214 KB)
các em học sinh tại buổi tuyên truyền.

Qua 2 đề tài tuyên truyền đã khơi dậy cho thế hệ trẻ Nhà trường niềm tự hào về Bác Hồ, về các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, đó là lịch sử hào hùng mà thế hệ trẻ hôm nay và mãi về sau cần phải được học tập…

VĂN TÀI